-‘๑’- Chào mừng bạn đến với Forum - Click vào đây để đăng ký ‘๑’-.
101 giai thoại các thánh


Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
News & Announcements
Tài khoản:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động: :: Quên mật khẩu
  • SVCG Thái Bình tại Nam Định
Top posters
232 Số bài - 35%
164 Số bài - 25%
83 Số bài - 13%
40 Số bài - 6%
34 Số bài - 5%
27 Số bài - 4%
22 Số bài - 3%
21 Số bài - 3%
17 Số bài - 3%
17 Số bài - 3%

Share
 

 101 giai thoại các thánh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
anhem_hailua_nd
Quản trị viên
Quản trị viên
anhem_hailua_nd


Tổng số bài gửi : 232
Join date : 22/03/2012
Age : 34
Đến từ : Giao Xứ Châu Nhai

101 giai thoại các thánh  Empty
Bài gửiTiêu đề: 101 giai thoại các thánh    101 giai thoại các thánh  I_icon_minitimeThu Mar 22, 2012 2:22 pm

101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

III. Mẹ con khăng khít

17. TẤT CẢ NHỜ MẸ ĐỂ LÀM CHIẾN SĨ CỦA CHÚA KITÔ
Thánh Luy Maria Mônpho (1673-1716) là con trưởng của một gia đình đông đúc. Chín người mất sớm khi còn nhỏ tuổi, 4 nữ tu, 3 linh mục và 2 người lập gia đình, cả thảy là 18 anh chị em. Thực là một gia đình phúc hậu cả về lượng lẫn về phẩm.
Thánh Luy Maria Mônpho là một người không mệt mỏi trong việc làm tông đồ của Mẹ Maria. Ngay từ nhỏ, Luy đã thích đọc sách nói về Đức Mẹ mà cậu sung sướng gọi là “Bà chủ của các tâm hồn”. Với Đức Mẹ, Luy đã học được ở Phúc âm tinh thần bác ái chân thực. Cũng nhờ ánh sáng Phúc âm và ơn phù trợ của Mẹ Maria, Luy đã tìm được ơn gọi làm linh mục cho Chúa, cho Mẹ và cho các linh hồn. Nhờ đời sống thánh thiện và việc chuyên cần học tập, Luy đã được gia nhập hội Xuân Bích và thụ phong linh mục ngày 05.6.1700. Cha Luy sung sướng làm lễ mở tay dưới ánh mắt của Mẹ hiền, cũng là giờ mở màn 16 năm truyền giáo của cha Luy Maria Mônpho. Bề trên trao cho cha nhiệm vụ coi giáo đường Thánh Clêmentê tại Pictaria. Cha Luy đã biến Pictaria thành trung tâm truyền giáo, mở rộng vương quyền của Chúa Giêsu trong các tâm hồn nhờ Mẹ Maria.
Để việc truyền giáo được phát triển sâu rộng và mang lại nhiều kết quả, cha đã lập nhiều hội đoàn, huấn luyện nhiều cá nhân có năng lực để làm việc tông đồ giáo dân. Cha lập hội các Trinh nữ dành riêng cho các thiếu nữ với điều kiện phải khấn giữ trinh khiết trong thời gian ít nhất là từ 1 đến 3 năm. Cha cộng tác với cha Poullat des Places lập hội “Anh em Chúa Thánh Thần” với mục đích huấn luyện các chủng sinh thành những linh mục làm chiến sĩ của Đức Mẹ sau này.
Ngay những năm đầu tiên truyền giáo, cha Mônpho đã ôm ấp nguyện vọng lập dòng “Linh mục thừa sai của Mẹ Maria”. Cha đã bày tỏ nguyện vọng ấy với cha linh hướng:
- Thưa cha, con tha thiết xin Chúa và Đức Mẹ cho con đủ sức lập hội dòng linh mục khó nghèo và thánh thiện, luôn hăng hái chiến đấu dưới bóng cờ Trinh Nữ Maria.
Sau bao năm vất vả và cầu nguyện, ý nguyện của cha đã được Thiên Chúa và Mẹ chuẩn nhận: ngày 28.4.1716 dòng Linh mục thừa sai của Mẹ Maria ra đời với bảy thầy và hai linh mục. Tinh thần và hoạt động căn bản của dòng là cổ động phong trào nô lệ Mẹ với khẩu hiệu: “Nhờ Mẹ đến với Chúa” và “Nước Mẹ trị đến để nước Chúa vinh quang”.
Ngoài ra, cha Mônpho còn kiên chí xin Chúa và Mẹ giúp đỡ để lập một dòng nữ nữa là dòng Con cái Đấng Khôn Ngoan. Mãi đến ngày 02.02.1703, cha mới tìm được một trụ cột đầu tiên cho dòng mới, đó là cô Luy Trichet, sau đó là cô Catarina Brunet. 13 năm sau, cha Mônpho sung sướng nhận lời hứa của một số đông nữ tu. Chị em dòng Con cái Đấng Khôn Ngoan đã chính thức ra mắt sau một tuần tĩnh tâm lĩnh ơn Chúa Thánh Thần và sức hộ vực của Mẹ Maria. Tinh thần của dòng thu gọn trong câu: “Tất cả nhờ Mẹ đến với Chúa”.
Cha Monpho thường nói:
- Tất cả nhờ Mẹ, nhờ Mẹ để làm chiến sĩ của Chúa Kitô.
Hiểu rõ như thế, cha đã tìm mọi cách để huấn luyện đoàn con nam nữ ấy mặc lấy tinh thần của Mẹ. Cha đã giảng rất nhiều về kinh Mân Côi, người ta tán dương cha là Đaminh thứ hai của tràng hạt Mân Côi. Hơn thế nữa, cha đã phát động nhiều phong trào: Tôn vương, tận hiến và nô lệ tình yêu. Lòng mến yêu Mẹ đã ăn sâu vào tâm hồn cha, nhiều lần cha sung sướng thốt lên:
- Ôi, bao giờ hạnh phúc ấy mới đến, giờ Mẹ Thiên Chúa được làm chủ, làm Nữ vương mọi tâm hồn, mọi con tim.
Ý nghĩa việc tôn vương cũng như đường lối tận hiến và học thuyết nô lệ tình yêu Mẹ ấy, cha đã khéo léo ghi lại trong hai cuốn sách: “Thành thực sùng kính Đức Mẹ” và “Bí mật Mẹ Maria”. Hai cuốn sách này đã mang tinh thần yêu Mẹ của cha Mônpho đến cho mọi người, mọi dân tộc, mọi tâm hồn. Những học thuyết ấy như những thanh củi khô làm cháy mạnh ngọn lửa yêu của Mẹ trong tâm hồn các tín hữu.
Càng yêu Chúa và Mẹ, cha Mônpho càng dễ thông cảm với lớp người xấu số. Cha hằng quan tâm giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Cha hằng an ủi họ bằng lời nói, bằng chính đời sống, nhất là bằng cách mang Chúa và Mẹ đến cho họ. Nối tiếp công việc tông đồ của cha là hai dòng tu Linh mục thừa sai của Mẹ và Con cái Đấng Khôn Ngoan mà cha đã sáng lập với chủ đích thăm nom và yên ủi lớp người xấu số đó.
Thánh Mônpho xứng đáng là một trong những tảng đá kiên cố nhất của lâu đài học thuyết Thánh Mẫu. Noi gương thánh nhân, chúng ta hãy hết lòng phụng sự và yêu mến Mẹ để nhờ Mẹ chúng ta đến với Chúa. Mẹ Maria là con đường chắc chắn nhất, dễ dàng nhất và ngắn nhất để đến với Chúa.

18. ANH HÙNG TỬ ĐẠO DA ĐỎ CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC MẸ
Nhìn thấy áo Đức Bà anh thanh niên mang trên người, Lonăng rất bực mình khó chịu. Vốn là người Bỉ có óc vô thần, Lonăng luôn tự cho mình có tư tưởng cấp tiến, lúc nào hắn cũng tỏ thái độ chống đối đạo, chống báng các linh mục cũng như những người tu trì. Hắn ra lệnh cho anh thanh niên phải vứt bỏ áo Đức Bà đi.
Anh thanh niên coi đó là biểu tượng lòng sùng kính Đức Mẹ, đồng thời cũng là biểu hiện của một người Công giáo, nên anh nhất quyết không cởi bỏ áo ấy.
Vài ngày sau, thấy anh thanh niên vẫn còn mang áo Đức Bà, Lonăng tức giận đến độ hắn túm lấy anh quất cho 25 roi.
Người thanh niên đó chính là Chân phước Isiđô Bakhangcha, người bộ lạc Bôăngchi nước Cônô. Bakhangcha sinh khoảng giữa thập niên 1880-1890. Anh theo đạo Công giáo vào năm 1906 trong thời gian làm phụ hồ ở Băngđaca. Sau đó Bakhangcha chuyển qua làm công ở đồn điền cao su cho các ông chủ thuộc địa người Bỉ, dưới quyền giám thị của Lonăng. Tuy là một tân tòng, nhưng Bakhangcha giữ đạo cầu nguyện và lần hạt Mân Côi rất sốt sắng, luôn cư xử tốt với mọi người. Anh thường lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để dạy cho các bạn đồng hương biết về đạo Công giáo, và chỉ cho họ cách cầu nguyện. Lonăng đã nhiều lần ngăn cấm răn đe Bakhangcha không được làm những việc đó vì hắn rất ghét đạo. Nhưng Bakhangcha thấy rằng không có gì là sai trái khi dùng thời giờ rảnh rỗi để làm việc riêng tư không hại đến ai cả.
Tức giận, Lonăng liền thộp lấy Bakhangcha, đưa tay giật lấy áo Đức Bà và vất cho con chó, rồi bóp cổ Bakhangcha quật anh xuống đất, đoạn ra lệnh cho gia nhân đánh đập anh tàn tệ. Hắn sai hai người khác nắm tay kéo chân Bakhangcha để hắn tha hồ đá vào người cách không thương tiếc. Mặc cho Bakhangcha kêu gào van xin, Lonăng vẫn cho người dùng roi đánh đập tàn nhẫn đến khi họ mệt nhoài không còn sức đánh nữa mới thôi.
Hơn 200 roi giáng xuống nát lưng Bakhangcha. Anh không còn đủ sức đứng dậy để đi, anh ngã quỵ trên vũng máu của mình. Lonăng lôi Bakhangcha vào trong phòng chứa mủ cao su, xích chân anh lại để mặc anh quần quại trên vũng máu và phân. Anh bị vất bỏ ở đó nhiều ngày trong khí độc hại của cao su, mùi khai thối của phân và nước tiểu.
Hai người bạn lén lút giúp Bakhangcha thay đổi thế nằm và chỗ nằm, tiếp tế cho anh ít cơm và nước uống, nhưng anh không thể nào ăn được. Giòi bọ bắt đầu sinh sản rúc rỉa thân xác Bakhangcha càng làm cho anh thêm đau nhói.
Lonăng sợ chủ biết nội vụ, hắn buộc Bakhangcha phải rời đi nơi khác. Nhưng Bakhangcha nói rằng anh đau đớn quá không thể đi được, hắn dọa dẫm và tiếp tục hành hạ anh, khiến anh phải gắng gượng ra đi.
Sau đó, người ta chuyển Bakhangcha về công ty và cấp thuốc chữa trị cho anh. Song vết thương đã bị nhiễm trùng trầm trọng thâm vào nội tạng. Vả lại, anh mất quá nhiều máu nên hết hy vọng cứu sống.
Tháng 7.1909, Bakhangcha được nhận lãnh bí tích sau hết và của ăn đàng, rồi được đưa về nhà các thầy giảng ở Lolêca. Anh hoàn toàn tàn phế, những vết thương làm cho anh đau đớn, nhức nhối khôn cùng, song tay anh không bao giờ rời tràng hạt Mân Côi.
Ngày Chúa nhật đầu tháng 8.1909, Bakhangcha tham gia cầu nguyện với một số lớn tín hữu, rồi lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, tay anh vẫn không rời tràng hạt Mân Côi. Isiđô Bakhangcha là một tín hữu Công giáo đích thực, với vai trò một giáo lý viên, Bakhangcha đã hiến cả thời giờ nhàn rỗi vào việc thực hiện công cuộc Phúc âm hóa giữa những người anh em mình, rồi sau đó đã không ngại hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa, can đảm mạnh mẽ tuyên xưng đức tin và giữ một lòng tin cậy vào tràng chuỗi Mân Côi.
Ngày 24.4.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong anh hùng tử đạo Isiđô Bakhangcha lên bậc Chân phước.

19. CON CHỌN CẢ HAI
Tính khí của cậu bé Raymond Kolbe (thánh Maximilian Kolbe) rất hung hăng tự ái, cứng cổ và hay tức giận, khiến cho bà mẹ dù có kiên nhẫn lắm cũng phải bực mình. Vì thế, chính sách giáo dục của bà đối với Raymond có phần khắt khe hơn. Nhưng được một điểm là sau mỗi lần lầm lỗi, cậu lại chạy đến xin mẹ sửa phạt ngay.
Tính khí đó ngày càng bộc lộ, cậu có thể nói như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Giả sử không được bà mẹ giáo dục khắt khe, có lẽ tôi đã hỏng đời”.
Một lần kia, bà Marie mắng Raymond khi cậu vừa làm một việc phật ý mẹ:
- Con tội nghiệp, không biết rồi đây con sẽ nên vương tướng gì.
Raymond tự thú: “Lời khuyên răn này cảm hóa tôi hơn tất cả, và tạo ra trong tôi một cuộc khủng hoảng tinh thần”.
Từ ngày ấy, bà Marie luôn thấy Raymond đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Một hôm, bà thấy cậu cầu nguyện, mắt đỏ ngầu, bà liền hỏi:
- Raymond, có gì đấy? Sao con khóc như con gái thế? - Bà tưởng cậu bị sốt.
Raymond ngần ngại không muốn trả lời.
- Nghe này, Raymond, với mẹ con phải thành thực, không được giấu gì?
Vừa mắc cỡ, cậu vừa run vừa kể:
- Thưa mẹ, hôm nào mẹ bảo con không biết rồi đây con sẽ nên vương tướng gì? Con đau đớn đi thưa Đức Mẹ. Ở nhà thờ, Đức Mẹ đã hiện ra với con, tay Mẹ cầm hai triều thiên trắng và đỏ, âu yếm nhìn con và bảo con chọn một trong hai. Triều thiên trắng bảo con phải luôn trong sạch, triều thiên đỏ tượng trưng phúc tử đạo. Suy nghĩ một lúc, con chọn cả hai. Đức Mẹ mỉm cười rồi biến đi.
Bà Marie nhận thấy từ ngày đó Raymond thay đổi hẳn cách sống, khôn ngoan và điềm đạm hơn, gương mặt bừng sáng, cậu thường nói với bà về phúc tử đạo. Tâm hồn thay đổi, đời sống thiêng liêng bước vào giai đoạn mới. Chỉ mới mười tuổi mà Raymond đã say mê Đức Mẹ, lấy Đức Mẹ làm bạn tâm sự, làm Nữ Vương và Bà Giáo…

20. MỌI VIỆC ĐỨC MẸ LÀM ĐỀU VÌ LÒNG MẾN CHÚA
Khi lên 10 tuổi, thánh Giêrađô Majella được rước lễ lần đầu. Cậu bé Giêrađô sung sướng vô cùng, cậu ước ao được kết hiệp với Chúa đêm ngày. Vào thời đó (đầu thế kỷ XVIII), cha giải tội chỉ cho phép cậu rước lễ vào thứ năm và Chủ nhật hằng tuần. Sau những buổi tan trường, Giêrađô thường vào nhà thờ, sấp mình thờ lạy Chúa lâu giờ, có khi quên cả giờ về nhà, người chị phải đến gọi về.
Giêrađô hiểu rằng linh hồn càng trong sạch, càng được Chúa yêu thương. Nên cậu thường xưng tội vào ngày thứ tư và thứ bảy để rước Chúa một cách xứng đáng hơn. Được rước Chúa vào lòng, Giêrađô muốn bắt chước Chúa chịu chết vì yêu thương loài người. Vì vậy cậu thường hãm mình bằng nhiều cách: bớt phần ăn mỗi ngày cho người nghèo. Ban đêm, cậu quỳ cầu nguyện và lần hạt Mân Côi đến khuya mới đi ngủ. Chẳng bao lâu sau Giêrađô đã gầy yếu hẳn đi vì những hãm mình đó. Mẹ cậu lo cho tình trạng sức khỏe của con, nên khuyên:
- Có sức khỏe tốt là nhờ ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ. Con không nên hãm mình thái quá như vậy! Nếu con quá yếu, không thể học hành và làm việc tay chân được. Theo mẹ nghĩ: con nên bắt chước gương Đức Mẹ, mọi việc Đức Mẹ làm đều vì lòng mến Chúa.
Giêrađô cúi đầu vâng lời mẹ. Cậu hiểu rằng: “Vâng lời mẹ thì đẹp lòng Chúa hơn là hãm mình phạt xác”.
Và cậu đã ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, sức khỏe tăng dần.

21. MẸ ĐẾN GIÚP CON HỌC
Có một thiếu nữ đến gõ cửa nữ tu viện Augustinô tại Milanô, cô ngỏ ý xin Mẹ Bề trên cho cô được nhập dòng. Mẹ Bề trên niềm nở đón tiếp, nhìn khuôn mặt sáng sủa của cô, giấu ẩn một kho tàng nhân đức, bà tỏ lòng ưng thuận:
- Ý định của con tốt lắm, mẹ và tu viện sẵn sàng tiếp nhận con vào dòng. Nhưng mẹ muốn biết con đã đọc sách được chưa?
Nghe câu hỏi đó lòng cô lo sợ, mắt rướm lệ, cô cúi đầu khẽ đáp:
- Thưa Mẹ Bề trên, con chưa biết đọc.
Như hiểu rõ được hoàn cảnh của thiếu nữ, bà an ủi khích lệ:
- Con đừng lo, mẹ sẵn sàng nhận con vào dòng, nhưng bây giờ con hãy tạm trở về xin ba má cho con đi học để biết đọc biết viết đã.
Thiếu nữ đó chính là thánh nữ Vêrônica Binascô (1444-1497) quê ở làng Pavia, nằm gọn trong cánh đồng dọc theo con đường từ Milanô đến Binascô. Cha mẹ của Vêrônica là những nông dân nghèo khó nhưng rất mực đạo đức. Suốt đời ông bà đi cày thuê cuốc mướn nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn túng bấn, nên ông bà đành phải để Vêrônica ra đồng làm việc.
Hiểu hoàn cảnh gia đình, nên khi trở về, Vêrônica không dám ngỏ ý xin đi học vì sợ làm phiền lòng cha mẹ. Cô đành giấu nỗi niềm tâm sự để chỉ mình Chúa và Đức Mẹ biết thôi.
Từ đó, ban ngày làm lụng vất vả ngoài đồng, chiều về thu xếp các việc vặt trong nhà, rồi tối đến cô đốt đèn tự học lấy. Vì không có người chỉ dẫn nên sau 3 tháng kiên tâm học chữ, Vêrônica vẫn không sao biết đọc. Lòng buồn tủi nhưng đầy tin tưởng và hy vọng, Vêrônica đến trước bàn thờ Đức Mẹ để giãi bày tâm sự và xin Mẹ thương giúp đỡ. Cô đang lịm đi trong lời cầu nguyện, thì Mẹ Maria hiện ra trong hào quang rực rỡ. Vêrônica phần vì nghi ngờ không biết là Đức Mẹ hay ma quỷ giả hình, phần sợ hãi không dám ngước mắt nhìn. Cô lấy tay che mắt và quỳ sấp xuống, nhưng Đức Mẹ dịu dàng bảo:
- Hỡi ái nữ của Mẹ, con đừng sợ, Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ đến giúp con học và đọc ba chữ này.
Vêrônica ngước mắt nhìn lên, hai tay chắp lại trước ngực, cô thưa với Đức Mẹ:
- Lạy Mẹ, hạnh phúc cho con dường nào. Con không bao giờ dám nghĩ một đứa trẻ ngu dốt như con lại được Mẹ đoái thương hiện đến. Con xin lỗi Mẹ và xin Mẹ hãy phán dạy con những điều Mẹ muốn.
Đức Mẹ âu yếm đón nhận tấm lòng chân thành của Vêrônica, Mẹ nói:
- Hỡi con đây là ba chữ Mẹ muốn dạy con: Chữ thứ nhất là “Tâm hồn trinh khiết”, hướng lòng mến về một mình Thiên Chúa. Chữ thứ hai là “Tinh thần chịu đựng” nết xấu tha nhân, thực hiện bác ái đối với họ. Chữ thứ ba là “Hằng ngày suy niệm sự thương khó Chúa Kitô”. Mẹ chúc lành cho con và hứa bảo trợ con luôn.
Từ đấy cho tới ba năm sau, Vêrônica không cần dùng đến sách vở, chỉ hằng ngày tâm niệm ba chữ Đức Mẹ dạy. Khi trở lại nhà dòng, mọi người phải bỡ ngỡ và thán phục khả năng học vấn và nhân đức của Vêrônica.

22. TÔI SẼ CƯỚI MỘT BÀ LỚN
Cha mất sớm, ba người chị đã lập gia đình, ở nhà chỉ còn lại hai mẹ con, thánh Giêrađô đã 21 tuổi rồi, đến lúc phải nghĩ đến tương lai, nhưng Giêrađô chưa thể quen thân cô gái nào cả. Giêrađô chỉ biết có Chúa trong Nhà tạm và Mẹ Maria. Các bạn hỏi Giêrađô:
- Chừng nào Giêrađô cưới vợ?
Giêrađô tươi cười trả lời:
- Tôi sẽ cưới một bà lớn!
Không ai hiểu gì hết.
Ngày 8 tháng 12, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong nhà thờ, giáo dân đặt tượng Đức Mẹ trên một chiếc bàn, trang hoàng hoa nến rất rực rỡ, làm cho không khí ngày lễ thêm phần trang trọng. Giêrađô đến gần tượng Đức Mẹ, anh đưa tay nắm bàn tay tượng Đức Mẹ và thân thưa:
- Mẹ ơi! Đời con từ nay xin thuộc trọn về Mẹ. Xin Mẹ nhận con làm con riêng của Mẹ!
Thế là Giêrađô đã gá nghĩa tình mẹ con với Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm.

23. KHÔNG KỂ CHÚA BA NGÔI, QUỶ SỢ AI NHẤT ?
Tại thành Marcasona nước Pháp, có một chàng thanh niên khô đạo, dám ngạo mạn khinh chê phép lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ đã truyền dạy thánh Đaminh phải cổ võ mọi người thi hành. Chúa đã để cho y bị quỷ ám để tỏ rõ uy quyền Đức Mẹ.
Các gia nhân phải khó khăn lắm mới đưa được anh ta đến với cha Đaminh xin ngài trừ quỷ. Cha truyền đưa anh ta đến nhà thờ. Và trước mặt đông đảo giáo dân, cha Đaminh lớn tiếng hỏi ma quỷ:
- Trên Thiên đàng, không kể Chúa Ba Ngôi, còn đấng nào mày sợ hơn cả?
Tên quỷ la hét, tru trếu ghê rợn, hắn nhất định không chịu trả lời. Cha Đaminh truyền cho nó phải nói sự thật. Nhưng hắn miễn cưỡng chỉ xin nói nhỏ vào tai cha Đaminh chứ không muốn cho mọi người nghe.
Cha Đaminh nhất định không chịu. Cha liền sấp mình xuống đất nài xin Đức Mẹ bắt ma quỷ nói công khai.
Ma quỷ tinh khôn và xảo quyệt đáo để, nó giả vờ khiêm nhường nói với cha:
- Chúng tôi là kẻ nói dối, xin ngài đừng tin. Xin ngài hãy nhờ các Thiên thần là những kẻ thật thà trả lời cho ngài biết.
Cha Đaminh đâu có chịu thua ma quỷ. Ngài sấp mình xuống trước tòa Đức Mẹ van nài Mẹ dùng quyền phép bắt ma quỷ phải xưng thú ra, để giáo dân biết rõ.
Nhận lời van xin của cha Đaminh, Đức Mẹ thân hiện ra, cầm roi đánh tên quỷ bắt buộc ma quỷ phải nói ra sự thật. Bấy giờ hắn kêu la có vẻ hằn học tức tối với Đức Mẹ. Hắn biết rằng nói ra sự thật thì thiệt hại cho nó lắm, vì như thế người ta sẽ tôn kính Đức Mẹ hơn, và các linh hồn sẽ vuột khỏi tầm tay của hắn. Bất đắc dĩ ma quỷ phải to tiếng công khai rằng:
- Tất cả mọi người hãy lắng tai mà nghe: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có quyền phép gìn giữ, bảo vệ những ai tôn kính Ngài khỏi sa Hỏa ngục. Ai sùng kính yêu mến Ngài thật tình thì thoát khỏi tay chúng tao. Mỗi lời Bà ấy xin cùng Thiên Chúa thì thần thế và hiệu nghiệm hơn mọi lời các thánh. Ai sắp mất linh hồn sa Hỏa ngục mà kêu tên Mẹ Maria thế nào cũng được cứu giúp. Nếu không có Mẹ Maria giúp đỡ che chở, thì đạo Công giáo đã phải vô cùng khốn đốn, khó lòng mà đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của chúng tao. Bà ấy ban cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi được khỏi sự dữ, được ơn ăn năn thống hối mọi tội và được về Thiên đàng.
Bấy giờ cha Đaminh bảo tất cả mọi người đọc kinh Mân Côi thật chậm và thật sốt sắng. Và một sự lạ đã xảy ra, sau mỗi kinh Kính Mừng mà cha Đaminh và dân chúng đọc chung với nhau, thì một nhóm ma quỷ xuất ra từ thân xác khốn khổ của người đó, dưới hình dạng những cục than đỏ. Khi bọn quỷ ám xuất ra hết, thì người lạc giáo ấy hoàn toàn trở lại bình thường.

Phần IV. Vâng thánh ý Chúa

24. Ở YÊN ĐÓ, ĐỂ TÔI ĐI XIN PHÉP BỀ TRÊN
Dòng Chúa Cứu Thế đang xây tu viện Materdomini. Công việc mới tiến hành được một tháng thì hết tiền, cha Bề trên Caione hỏi thánh Giêrađô:
- Chiều thứ bảy này phải trả tiền công cho thợ, nhưng chúng ta không còn đủ tiền, phải làm sao đây thầy Giêrađô?
- Thưa cha, con tin Chúa và Mẹ sẽ giúp chúng ta tiếp tục một tháng nữa. Nhưng sau tháng này, con nghĩ phải xin Đức Tổng Giám mục Gônza ban phép lạc quyên trong các giáo xứ thuộc giáo phận của ngài.
- Được, tôi giao việc đó cho thầy!
- Vâng! Sáng mai, khi dâng Thánh lễ, xin cha nói Chúa Giêsu giúp chúng ta!
Thứ bảy, trước giờ trả tiền lương cho thợ, nghe chuông ngoài phòng khách, cha Caione ra mở cửa thì thấy một gói bạc, ai đó treo nơi chốt cửa.
Vì thầy Giêrađô nổi tiếng hay làm phép lạ, cha Bề trên theo sự khôn ngoan nên cha nói với thầy Giêrađô:
- Từ nay, khi thầy cần làm phép lạ, phải xin phép tôi.
- Thưa cha, vâng!
Trưa hôm đó, một người thợ đang xây cất tu viện chẳng may trượt chân té từ trên giàn cao rơi xuống. Đang khi người thợ rơi xuống, Giêrađô trông thấy liền chỉ tay lên bảo:
- Này ông bạn, ở yên đó, để tôi đi xin phép Bề trên đã!
Cha Bề trên nghe thầy Giêrađô kể lại sự việc thì cười, ngài nói:
- Vậy là thầy đã làm phép lạ rồi, nhưng đó là trường hợp bắt buộc. Thầy hãy cho người thợ đó xuống đi.
Lúc ấy, người thợ vẫn lơ lửng trên không trung, không bám víu vào đâu cả, mọi người sửng sốt ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy sự kiện lạ lùng ấy. Sau khi xin phép, Giêrađô vui vẻ chạy ra nói:
- Được rồi, bây giờ anh xuống đất từ từ đi!
Và thân hình nặng nề của người thợ kia hạ xuống đất cách nhẹ nhàng, bình yên vô sự.

25. TÔI CƯƠNG QUYẾT VÂNG LỜI THIÊN CHÚA
Thấy ảnh hưởng của thánh Giám mục Basiliô Cả (329-379) ngày một lan rộng trong giới trí thức cũng như giới bình dân Hy Lạp, bạo vương Valens, tín đồ bè rối Ariô, tìm cách triệt hạ ngài và chiếm giáo phận Cêsarê. Nhưng trước những đội binh và hình phạt đe dọa, Đức cha Basiliô vẫn trung kiên và không nhượng bộ yêu sách của địch thủ. Sau cùng, bạo vương phái Môđêtô, một viên quan có tiếng là mưu mô và tàn bạo.
Môđêtô hằm hằm tức giận nói với Đức cha Basiliô:
- Ác nhân, ngươi ở đâu tới đây? Ngươi dám phản hoàng đế được sao?
Đức Giám mục bình thản trả lời:
- Tôi không hiểu tại sao ngài gọi tôi là ác nhân?
- Mọi người đều tuân lệnh hoàng đế. Chỉ có ngươi dám khinh miệt hoàng thượng.
- Tôi phản đối những ai bất tuân lệnh Thiên Chúa, tôi cương quyết vâng lời Thiên Chúa, và nhất định phản đối những kẻ vi phạm luật Chúa. Ông nghĩ thế có phải không?
Thấy thái độ cứng nhắc không có hiệu quả, Môđêtô đổi chiến thuật:
- Đức Giám mục hãy tuân lệnh hoàng đế đi, như vậy ngài sẽ có danh vọng và chúng ta sẽ có chung một tín ngưỡng, và nên bằng hữu với nhau.
- Phải, tôi muốn kết thân với ông lắm, nhưng không phải để ủng hộ chương trình của hoàng đế và bọn lạc giáo Ariô. Tôi muốn ông cũng như trăm nghìn tín hữu Công giáo sống trong đoàn chiên của tôi. Chúng tôi kính yêu người Công giáo không phải vì quyền cao chức trọng nhưng vì tín ngưỡng chân thật và tâm hồn trong trắng của họ. Tôi biết ông là một trong những sĩ quan cao cấp của hoàng đế. Nhưng tôi tin chắc rằng tất cả danh vọng và quyền cao chức quý đó không làm cho ông hạnh phúc bằng tôi là người thờ phượng Thiên Chúa.
Môđêtô lại mất bình tĩnh, hắn đe dọa tịch thu tài sản, phát lưu và hành quyết ngài. Nhưng Đức Giám mục vẫn bình tĩnh trả lời:
- Môđêtô, ông đừng tưởng rằng những lời đe dọa đó có thể lung lạc được tôi. Nếu tôi không có tài sản thì ông tịch thu cái gì? Nếu cả thế giới chỉ là nơi lưu đày thì ông sẽ phát lưu tôi đi đâu? Tôi không có quê hương nào khác ngoài Thiên đàng. Tôi không sợ hình phạt vì thân xác hèn mọn này đã suy nhược. Tôi không sợ chết vì có chết tôi mới có thể đến với Đấng tôi yêu mến là Chúa tạo thành vũ trụ.
Môđêtô bỡ ngỡ nói:
- Ta chưa hề gặp ai gan dạ như ngươi.
- Phải, có lẽ là thế, vì ông chưa đàm luận với một Giám mục nào khác. Trong những vấn đề khác chúng tôi rất khiêm tốn. Nhưng khi đề cập đến đức tin Công giáo và sự kính thờ Chúa Giêsu, thì chúng tôi không bao giờ nhượng bộ; chúng tôi không bao giờ được phép làm ô danh uy quyền của Thiên Chúa.
Sau đó, Môđêtô về tường trình công việc cho hoàng đế. Bọn lạc giáo này chuẩn bị xe cộ và khí giới phát lưu thánh nhân, nhưng việc không thành vì Chúa can thiệp.

26. DÙ PHẢI ĐI THEO MỘT CON CHÓ NHỎ, CON CŨNG SẴN SÀNG
Thời trai trẻ, thánh Inhaxiô Lôyôla có một cuộc sống phóng túng, ngang tàng, chỉ mải mê chạy theo những phù phiếm thế tục. Là con của một quí tộc giàu có ở Tây Ban Nha, Inhaxiô rất thích mặc quần áo đẹp, cưỡi ngựa và đấu kiếm. Khi trở thành một hiệp sĩ, Inhaxiô phục vụ cho vương triều Tây Ban Nha, ngài mong lập chiến công lừng lẫy và lóa vào mắt xanh của một công nương nào đó. Nhưng một biến cố đã xảy ra làm thay đổi mọi sự, Inhaxiô bị thương trầm trọng trong cuộc giao tranh ở Pamplona, khi ấy ngài được 30 tuổi. Trong thời gian điều trị, Inhaxiô đòi người nhà tìm cho những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ, với những cuộc phiêu lưu và những mối tình lãng mạn, nhưng sách vở thời ấy rất hiếm, Inhaxiô đành phải đọc hai cuốn sách của bà chị dâu là sách về cuộc đời Chúa Kitô và Gương Các Thánh.
Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, Inhaxiô quyết tâm noi gương các thánh, từ bỏ mọi sự để phục vụ Đức Kitô. Từ đây, Inhaxiô luôn đi tìm ý Chúa và tuân theo ý Người.
Thời gian mới hoán cải, còn rất khờ khạo, Inhaxiô định giết người vì muốn bênh vực Đức Mẹ. Một hôm đang cưỡi lừa, Inhaxiô gặp một người Hồi giáo, hai người cùng nói chuyện về Đức Mẹ. Người Hồi giáo không tin Đức Mẹ đồng trinh, nhưng ngài lại không có đủ lý lẽ để thuyết phục. Ngài dự định rút kiếm đâm chết người Hồi giáo vì anh ta xúc phạm đến Đức Mẹ. Nhưng không chắc đó là thánh ý Chúa, nên ngài đã để cho con lừa đi tự do. Thấy con lừa không đi theo người đó, nên Inhaxiô để anh ta đi luôn. Việc tìm ý Chúa thật kỳ cục, nhưng Inhaxiô đang bắt đầu sẵn sàng từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa.
Tại làng Manrêsa, Inhaxiô đến cầu nguyện trong một hang đá. Bắt chước các thánh tu rừng, Inhaxiô thích sống một mình với Chúa, ngài mặc quần áo bằng vải bao bố, chỉ ăn bánh mì và uống nước lã, để râu tóc và móng tay móng chân mọc tự do. Nhưng khi đã ý thức được ơn gọi tông đồ, Inhaxiô phải đến với mọi người để giúp họ về đời sống thiêng liêng. Muốn vậy, ngài phải sống văn minh hơn. Thế là Inhaxiô hớt tóc, cạo râu, cắt móng chân móng tay, mặc quần áo sạch sẽ và tử tế, ăn thịt và uống rượu. Ngài từ bỏ những việc được coi là thánh thiện nhất để thi hành thánh ý Chúa.
Một lần kia Inhaxiô đi hành hương ở Giêrusalem, ngài muốn ở lại nơi Chúa Giêsu đã sống, muốn truyền giáo cho người Hồi giáo, nếu bị họ giết thì càng tốt. Tuy nhiên, vị đại diện Tòa Thánh ở đây đã không cho phép ngài ở lại vì nhiều lý do, ngài liền vâng lời trở về quê nhà. Điều quan trọng bây giờ không phải là ngài muốn làm gì, nhưng là Chúa muốn ngài làm gì? Trở lại Tây Ban Nha, Inhaxiô bắt đầu dạy giáo lý và nói chuyện về đời sống thiêng liêng cho người này người kia. Nhưng ban Thanh tra của Giáo hội cấm ngài dạy giáo lý vì ngài chưa học thần học. Thế là Inhaxiô lên đường đi Paris học. Ở đây, ngài thụ huấn nơi các vị giáo sĩ những chỉ dẫn để tìm ý Chúa.
Ở Paris, Inhaxiô kết thân với một số bạn. Họ cũng chỉ ao ước được biết ý Chúa để thi hành. Dòng Tên dần dần được hình thành. Cộng đoàn này lúc đầu chỉ khấn khiết tịnh và khó nghèo. Ba năm sau, chuyến hành hương về Giêrusalem không thành, ngài và các bạn không biết phải làm gì để vinh danh Chúa hơn, nên đến đặt mình dưới quyền sử dụng của Đức Thánh Cha, vị đại diện Chúa Kitô dưới thế. Sau đó, cả nhóm quyết định để tôn vinh Chúa hơn họ bầu chọn một người làm trưởng để vâng phục.
Khi được bầu làm Bề trên cả dòng Tên, Inhaxiô hết sức từ chối, nhưng các bạn và vị linh hướng của ngài quả quyết đó là ý Chúa. Trong chức vụ ấy, ngài không ngừng suy nghĩ cầu nguyện, bàn hỏi để biết Chúa muốn gì về từng anh em cũng như về từng điểm trong bản nội qui dòng Tên. Không bao giờ áp đặt ý riêng, ngài chỉ muốn chuyển đạt ý Chúa đến cho anh em. Ngài chỉ thực an lòng khi xác tín đâu là ý Chúa.
Có những khi bị rơi vào cảnh tối tăm, Inhaxiô không biết Chúa muốn gì, ngài băn khoăn ray rứt cực độ. Ngài thốt lên:
- Lạy Chúa, xin cho con biết ý Chúa, dù phải đi theo một con chó nhỏ, con cũng sẵn sàng.
Con người suốt đời miệt mài đi tìm và thi hành ý Chúa ấy đã được Giáo hội tôn vinh.

27. TỘI THẦY ĐÁNG ĐUỔI RA KHỎI DÒNG
Thánh Giêrađô, trợ sĩ dòng Chúa Cứu Thế, được Bề trên ban phép đi xin tiền giúp các cô gái ước ao dâng mình cho Chúa mà không đủ của hồi môn cần thiết.
Thầy Giêrađô đã giúp tiền cho cô Nerea Caiano ở Lacedonia vào dòng kín Carmel. Nhưng tiếc thay, lòng ao ước dâng mình cho Chúa của cô như ngọn lửa rơm cháy bùng lên một lúc rồi tắt ngấm. Ba tuần sau cô hồi tục, trở về Lacedonia. Nhưng cô tự ái, không muốn cho mọi người biết việc hồi tục do ý muốn của cô.
Cô đã nói dối với mọi người rằng: các bà sơ dòng Carmel sống khô khan nguội lạnh, buông thả. Còn thầy Giêrađô cũng là kẻ giả hình, thầy đã có nhiều cử chỉ tồi tệ đối với cô. Và họ đã hỏi sao không tố cáo thầy Giêrađô cho cha giải tội của cô. Và cô Caiano đã tố cáo lên cha Bêninhô Bônaventura.
Cha Bônaventura sửng sốt trước những lời tố cáo của con thiêng liêng. Để chắc chắn, ngài bảo:
- Đây là việc hệ trọng, con phải viết vào giấy đưa cha gởi cho cha Anphongsô xem.
Cô Caiano đã viết sẵn, cô đưa cho cha. Cha linh hướng đọc tờ tố cáo thầy Giêrađô đã làm hại đời cô tại đâu, ngày tháng nào. Và cha Bônaventura đã gởi lá đơn tố cáo ấy cho thánh Anphongsô, Bề trên Cả dòng Chúa Cứu Thế, kèm theo mấy lời xác nhận của mình.
Tại tu viện Pagani, cha Anphongsô mở thư của cô Caiano và mấy lời xác nhận của cha Bônaventura, bạn thân của ngài. Ngài bàng hoàng sửng sốt trước những lời tố cáo này. Lỗi lời khấn khiết tịnh, xúc phạm đến Chúa do con cái cha làm. Nếu những người khác biết chuyện này thì tai hại cho hội dòng non trẻ của cha biết mấy, họ sẽ không muốn vào tu nữa, và Tòa Thánh sẽ nghĩ thế nào đây?
Thầy Giêrađô cha chưa hề biết mặt, nhưng cha đã nghe người ta đồn về sự thánh thiện và các việc lạ thầy làm. Sau khi cân nhắc sự việc, cha Anphongsô liền phái một linh mục đến Lacedonia và Đêlixêtô để điều tra. Tác giả lời tố cáo đã thề quyết có sự thật như thế. Cha Anphongsô cho gọi thầy Giêrađô đến Pagani. Tới Pagani, thầy Giêrađô gõ cửa phòng cha Bề trên Cả.
- Thầy Giêrađô! Thầy có biết cha gọi thầy đến đây vì việc gì không?
- Thưa cha, con không biết!
- Vậy thầy hãy đọc lá thư tố cáo tội lỗi thầy đây.
Giêrađô khiêm tốn quì xuống. Từ khi có trí khôn đến nay, nhất là sau khi khấn trọn đời khiết tịnh, thầy không hề lỗi phạm nhân đức cao quý đó, thế mà giờ đây... Thầy bàng hoàng đau đớn như bị ai đâm một nhát dao vào tim.
Thầy Giêrađô thầm nghĩ rằng cơn thử thách Chúa cho xảy đến, thầy sấp mặt xuống đất theo gương Chúa Giêsu: “Xin theo ý Cha, đừng theo ý con!”. Thầy chấp nhận uống chén đắng như Chúa muốn.
- Thế nào, thầy không trả lời gì sao?
Giêrađô cúi mặt xuống thinh lặng.
- Tội thầy đáng đuổi ra khỏi dòng, nhưng cha để thầy tự quyết định. Nếu muốn hồi tục, cha sẽ xin phép để chuẩn lời khấn cho thầy. Trong thời gian tới, thầy cứ xưng tội như luật định, nhưng không được rước Chúa. Nếu anh em dòng hỏi lý do, thầy cứ trả lời: “Tôi phạm tội công khai ở Lacedonia nên cha Bề trên Cả cấm”. Đàng khác, thầy không được liên lạc thư từ với bất cứ người nào!
Giêrađô cúi đầu chào cha Bề trên, rồi lặng lẽ trở về phòng. Đối với thầy, không được rước Chúa là một nỗi đau khổ nhất. Cha giải tội khuyên thầy thanh minh, nhưng thầy trả lời:
- Thưa cha, con nghĩ đây là việc của Chúa.
Giêrađô được gửi đến Giorani để Bề trên theo dõi. Các tu sĩ ở đây thắc mắc về việc thầy không rước Chúa, thầy đã trả lời như cha Bề trên Cả dặn. Họ thắc mắc:
- Có tội thì sám hối, xưng tội, Chúa tha hết. Sao lại cấm thầy rước Chúa!
- Ý Bề trên là ý Chúa, tôi chỉ biết vâng lời.
Các linh mục thường mời Giêrađô giúp lễ vì thầy sốt sắng như thiên thần. Một cha mời thầy giúp lễ nhưng thầy từ chối:
- Cha đừng cám dỗ con. Con sẽ cướp Mình Thánh trên tay cha!
Đầu tháng 7 năm 1754, cô Nerea Caiano bị lương tâm cắn rứt, chịu không nổi, đã thú nhận tất cả những lời tố cáo thầy Giêrađô là do cô hoàn toàn bịa đặt cho cha Bônaventura nghe, và cô viết thư xin rút lại lời tố cáo ấy. Cha Bônaventura cũng đã viết thư xin lỗi cha Anphongsô vì quá tin lời con thiêng liêng của mình.
Tại Pagani, cha Anphongsô nhận được hai lá thư ấy, ngài mừng rỡ hết sức. Lập tức, ngài sai một thầy đi mời Giêrađô về Pagani. Vừa gặp Giêrađô, cha Anphongsô ôm hôn thầy.
- Con ngồi xuống đây. Tại sao con không một lời thanh minh về sự vô tội của con?
- Thưa cha, luật dòng cấm các tu sĩ bào chữa khi Bề trên khiển trách. Con hằng tâm niệm điều ấy.
- Tốt lắm! Từ nay con được tự do, như không xảy ra chuyện gì hết. Thôi, con hãy trở về Capôsêlê. Xin Chúa Cứu Thế chúc lành cho con!
Nhìn bước chân Giêrađô ra khỏi phòng, cha Anphongsô lau nước mắt cảm phục. Ngài quỳ xuống trước tượng Chúa chịu nạn, tạ ơn Chúa đã ban cho dòng bé mọn một người con thánh thiện.

28. 37 NĂM SỐNG TRÊN CỘT CAO
Để được tự do cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, thánh Simon Cột liền trèo lên một ngọn núi cao, ẩn mình trong hốc đá để cầu nguyện đêm ngày. Ngài thuê người ta làm cho một sợi xích dài độ 10 thước, một đầu xích buộc vào chân phải, còn đầu kia gắn chặt vào hốc đá. Làm như thế ngài muốn tự giam mình không cho bước ra khỏi giới hạn đã định. Chẳng bao lâu sau, tiếng thơm nhân đức của ngài đã vang khắp miền Tenetxinh. Dân chúng lũ lượt kéo đến để thăm con người có những cách hãm mình kỳ dị đó. Nhờ lời cầu nguyện của ngài, nhiều người được khỏi bệnh. Vì thế, ai nấy cố gắng để được chạm đến thân xác của ngài, họ kính ngài như một vị thánh sống.
Thấy người ta tôn kính mình thái quá, thánh Simon Cột hằng cầu xin Chúa dạy cho cách sống thế nào để khiêm tốn hơn. Được Chúa soi sáng, ngài nghĩ đến cách sống trên cột trụ. Ngài liền nhờ người làm một cột trụ cao khoảng 9 thước, trên đỉnh cột đóng một cái bục vừa đủ để một người ở, không lợp mái che mưa che nắng, không làm vách gì cả, chỉ chắn vây bốn hàng rào thưa. Ngài sống lộ thiên như thế suốt 37 năm trời. Nhiều người phải bỡ ngỡ trước lối sống kỳ lạ ấy. Ngài không bao giờ ngồi mà cũng không nằm, suốt ngày chỉ đứng, quỳ hay cúi đầu cầu nguyện và suy ngắm.
Mỗi khi người ta đến thăm dưới chân cột, thánh Simon Cột không quên cắt nghĩa hoặc nhắc bảo họ giới răn của Thiên Chúa và sống sứ mệnh của người kitô hữu. Thánh nhân còn chỉ cho họ thấy sự giả dối và mỏng dòn của thế gian, hầu nâng trí họ ngưỡng mộ đời sống vĩnh cửu là hưởng kiến Thiên Chúa trên trời.
Ngoài ra, ngài còn lấy lời dịu ngọt để an ủi những người bị hà hiếp, gặp tai nạn, lấy lẽ phải bầu cử cho các phạm nhân. Nhờ lời khuyên của ngài mà ông thị trưởng thành phố Antiôkia đã bỏ mức thuế bất công ông đã ấn định cho các nhà tiểu công nghệ.
Tiếng thánh thiện của ngài ngày càng vang xa, người ta kéo đến với ngài càng đông. Theo sự khôn ngoan, các Bề trên có trách nhiệm chăm sóc linh hồn cho các tín hữu, nên các ngài luôn phải thận trọng đề phòng những người có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, kẻo họ truyền bá sự sai lạc chăng? Muốn biết rõ sự thánh thiện của thánh Simon Cột có đẹp lòng Chúa hay không, hay chỉ là đạo đức bên ngoài, trong lòng đầy kiêu hãnh? Các đấng làm thế nào để biết chắc điều ấy? Không có gì khó khăn cả, các Bề trên liền phái mấy thầy ra truyền lệnh cho thánh Simon Cột xuống khỏi cột ngay để về sống chung với các tu sĩ. Sau mấy chục năm sống trên cột cao ấy, chưa lần nào ngài rời khỏi cột để xuống mặt đất, thế mà giờ đây phải xuống theo lệnh Bề trên ư? Nhưng khi vừa nghe lệnh Bề trên, thánh Simon Cột liền xuống khỏi cột ngay. Sự vâng phục mau chóng này biểu lộ một tâm hồn thánh thiện và khiêm tốn thực sự. Bấy giờ các thầy được Bề trên sai đi vội nói đang khi thánh Simon Cột trèo xuống đất:
- Thưa cha, thôi, xin cha cứ ở lại trên cột vì chúng tôi đã biết tỏ thật thánh ý Chúa muốn cho cha sống hãm mình như thế.

29. TƯỚI NƯỚC CHO CÂY KHÔ
Thánh nữ Rita Cascia (1381-1457) mãi 40 tuổi mới vào tu dòng nữ Thánh Augustinô ở nước Ý, sau khi chồng và các con đã qua đời.
Trong tu viện, chị Rita nổi bật về đức vâng phục và đức bác ái. Một hôm, Mẹ Bề trên tu viện nói với chị Rita:
- Này chị Rita, hằng ngày chị hãy tưới nước cho gốc cây nho khô kia để nó trổ mầm và nở hoa.
Dù biết rằng cây khô kia sẽ chẳng bao giờ nảy mầm nở hoa, nhưng chị vẫn khiêm tốn vui vẻ và vâng lời làm việc.
Thế là ngày hai lần sớm và chiều, chị Rita múc nước tưới đẫm gốc cây khô đó. Nhiều nữ tu khác thấy vậy thì chê cười vì hành vi ngớ ngẩn của chị, họ cho rằng cây khô ấy chẳng bao giờ có thể sống lại được. Họ nghĩ bụng: “Công việc này tới muôn đời cũng chẳng thành công”. Các Bề trên thì mỉm cười và âm thầm ca tụng lòng khiêm tốn và vâng phục của chị, biểu lộ một tâm hồn thánh thiện.
Đến một ngày kia, gốc cây khô được chị Rita tưới vì vâng phục đã nảy những mầm lá xanh trước sự ngạc nhiên của mọi người. Điều không thể đối với loài người, nhưng với Thiên Chúa thì “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37). Những mầm lá xanh tươi mọc từ gốc cây khô ấy là phần thưởng Chúa dành cho sự vâng lời và khiêm nhường của chị Rita.
Chẳng bao lâu, gốc cây nho khô cằn cỗi ấy dần dần trở thành một cây xum xuê lá cành với những chùm nho chín mọng. Qua hơn 500 năm sau, cây nho này vẫn tươi tốt và sai trái tại dòng nữ Thánh Augustinô ở nước Ý.

30. KHI CHẾT THÌ CÒN GÌ ĐÂY ?
Được cha mẹ gởi học văn chương ở trường Đức Bà thuộc địa phận Châtinllon, thánh Bênađô học hành rất chăm chỉ. Nhờ việc theo học gần 10 năm ở đây, mà sau này thánh Bênađô có khả năng viết và nói làm say sưa biết bao nhiêu độc giả và thính giả.
Bênađô sử dụng Latinh như tiếng mẹ đẻ. Cậu ham học và học rất thành công. Sau khi thân mẫu qua đời và tốt nghiệp trung học, Bênađô đang bận tâm về tương lai của mình. Cậu sẽ làm gì đây? Với ngoại hình cao ráo, đẹp trai, cộng thêm tài đức, chắc rằng Bênađô sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn ngoài đời, nhưng cậu không ham. Bênađô thuộc tầng lớp quí phái thời bấy giờ, cậu không ham binh nghiệp để được vinh quang hay giàu sang, hiến thân phục vụ Chúa chăng? Vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Bênađô vẫn tiếp tục học.
Một hôm, Bênađô thử làm thơ, nhưng khi vừa đặt bút gieo vần thì có một tiếng nói nhỏ nhẹ trong người nhưng có phần nghiêm khắc:
- Học để làm gì vậy?
Biết chỉ để mà biết: một sự tò mò nhục nhã.
Biết để được gọi là nhà bác học: hư danh.
Biết để dạy được nhiều tiền: một cuộc buôn bán.
Bênađô liền tranh luận với tiếng nói kỳ bí ấy:
- Thế còn biết để xây dựng và dạy người khác: đó chính là bác ái.
Nhưng Bênađô lại suy nghĩ khi đối diện với thực tế:
- Ở lại trong trường để được gọi là giáo sư, vậy khi chết đi thì còn gì đây?
Những người anh em của Bênađô thì nghĩ khác. Họ rất hãnh diện vì Bênađô học giỏi. Họ muốn có một tiến sĩ nổi danh trong gia đình. Họ tìm những trường học nổi tiếng và thầy giỏi để đề nghị.
Nhưng tiếng nói kỳ bí ấy tiếp tục vang lên:
- Bênađô, ta có nuôi nấng và dạy dỗ để con chạy theo những hư danh đó không?
Đến lúc này, Bênađô vẫn miên man suy nghĩ trước ngã ba của cuộc đời. Con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp muốn kết thân và bao nhiêu gia đình muốn kết nghĩa. Không có gì là xấu ở đấy cả. Nhưng có vài cô quá bạo dạn, đã khiêu khích, dụ dỗ Bênađô hưởng khoái lạc làm cho chàng bừng tỉnh. Một lần Bênađô say ngắm một cô gái đẹp, khi về nhà thấy tâm hồn xao xuyến, rối loạn, chàng trai trẻ này đã nhảy xuống hồ nước gần băng giá mới lấy lại được bình an. Và sau đó Bênađô quyết định từ giã thế tục. Bênađô mạnh mẽ tuyên bố với gia đình:
- Tôi sẽ làm một đan sĩ...
Mọi người ngỡ ngàng. Họ tìm cách lái chàng đến một tu viện lớn để có thể trở thành vị tiến sĩ nổi danh, và biết đâu Bênađô sẽ trở thành một Viện phụ. Nhưng Bênađô im lặng không nói gì. Khi bị gạn hỏi mãi về việc vào dòng nào? Bênađô trả lời:
- Xitô.
Mọi người thất vọng. Dòng Xitô sống theo tinh thần Tin Mừng và rất nhiệm nhặt, trở về với tinh thần nguyên thủy của thánh Biển Đức. Với tài hùng biện và thuyết phục khéo léo của mình, Bênađô đã vào dòng Xitô cùng với một số anh em ruột, bạn bè thân thuộc, cả thảy là 30 người vào năm 1112.
Về Đầu Trang Go down
https://anhemhailua.forumvi.com
 

101 giai thoại các thánh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 Similar topics

-
» Đức Thánh Cha Benedict XVI yêu cầu cho hòa bình ở Syria, Irak, Nigeria và Thánh Địa
» THAM QUAN TÒA THÁNH VATICAN & THÀNH VENISE ( ITALIA )
» Phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam thu thập chứng từ cho việc phong thánh ĐHY Nguyễn Văn Thuận
» Thánh Giuse
»  Khai mạc Đại Lễ 75 năm thành lập GP

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: CHIA SẺ LỜI CHÚA :: Các Bài Giảng-Giáo Lý :: Chuyện các thánh-